Viêm tủy xương là một bệnh lý về xương khớp khá nguy hiểm, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về xương khớp và sức khỏe. Những kiến thức về viêm xương tủy xương bệnh học sẽ giúp chúng ta chủ động hơn trong phòng và điều trị bệnh cũng như ngăn ngừa các biến chứng.
Nội dung:
I – Tìm hiểu về bệnh viêm tủy xương
Viêm tủy xương có tên tiếng anh là Osteomyelitis và còn được biết đến với một số tên gọi khác như viêm xương tủy xương, cốt tủy viêm, cốt tuỷ viêm xương. Hãy cùng canxi NextG Cal tìm hiểu về căn bệnh này nhé!
1. Viêm tủy xương là gì? Hình ảnh X quang viêm xương tủy xương
Viêm xương tủy xương là gì? Đây là một bệnh nhiễm trùng cấp tính hay mạn tính của xương (vỏ hoặc tủy xương) do nhiều loại vi sinh vật gây ra, nhưng thường gặp nhất là do vi khuẩn.
Bệnh có xu hướng gây tắc nghẽn các mạch máu vùng, làm hoại tử xương và lan truyền nhiễm trùng tại chỗ.
Hình ảnh viêm xương tủy xương xquang
Nhiễm trùng có thể lan rộng qua vỏ xương, đến dưới màng xương, cùng với sự hình thành các ổ áp xe dưới da mà có thể tự thoát ra ngoài qua da. Trong viêm tủy xương cột sống, áp xe cạnh cột sống hoặc áp xe ngoài màng cứng có thể hình thành.
Ở trẻ em các xương dài ở cánh tay và cẳng chân thường dễ bị ảnh hưởng nhất, còn người lớn hay gặp viêm tủy xương chân, xương bàn chân, cột sống và hông.
2. Nguyên nhân gây viêm tủy xương
Viêm tủy xương có thể do vi khuẩn, lao hoặc nấm gây ra, trong đó vi khuẩn là tác nhân chính gây bệnh:
– Tụ cầu vàng: chiếm khoảng 50% các trường hợp gây bệnh cốt tủy viêm.
Tụ cầu vàng là nguyên nhân chính gây ra viêm tủy xương
– Vi khuẩn khác thường gặp: Liên cầu khuẩn tan huyết nhóm B, phế cầu, vi khuẩn gram âm đường ruột, vi khuẩn kị khí, trực khuẩn mủ xanh…
Đa số các trường hợp, tác nhân gây bệnh lan truyền kế cận từ các mô nhiễm trùng liền kề, các vết thương hở. Ngoài ra có thể theo đường máu đến xương gây ra viêm xương tủy xương đường máu hay còn gọi cốt tủy viêm đường máu.
Hỏi ngay dược sĩ tại đây
3. Dấu hiệu viêm tủy xương
Triệu chứng viêm tủy xương có thể diễn ra âm thầm hoặc biểu hiện rầm rộ, cụ thể:
– Viêm xương tủy đường kế cận: Có thể gặp sau mổ, sau gãy xương hở,… vài ngày (khoảng 4, 5 ngày), bệnh nhân tiếp tục sốt cao, rét run, đau nhức tại vết thương, cơn đau ngày càng tăng. Thấy căng nề, tấy đỏ lan tỏa tại vết thương, chảy mủ thối.
– Viêm xương tủy xương đường máu: Bệnh nhân có biểu hiện sốt, rét run, mệt mỏi…, triệu chứng đau thường không rõ ràng, hơi sưng nề tại vùng đau. Sang giai đoạn muộn hơn sẽ thấy sưng, nóng, đỏ, đau rõ, vùng khớp lân cận sưng nề. Nếu chọc dò có thể thấy mủ, nuôi cấy vi khuẩn thấy đa số là tụ cầu vàng.
– Viêm xương tủy xương mạn tính gây ra những cơn đau xương kéo dài, bệnh tái phát từng đợt với đặc trưng là lỗ dò và xương chết. Lỗ dò trong viêm tủy xương có đặc điểm vùng da quanh lỗ dò có màu thâm, da sát xương, mủ chảy ra mùi hôi tanh.
Sinh lý bệnh viêm xương tủy xương cấp: A. Bắt đầu nhiễm trùng; B. Hình thành ổ áp xe dưới màng xương; C. Hình thành lỗ rò và mảnh xương chết.
Nếu nghi ngờ bệnh nhân bị viêm tủy xương, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm sau đây:
– Xét nghiệm máu: Sự tăng bạch, tốc độ máu lắng và protein phản ứng C (CRP) góp phần hỗ trợ cho chẩn đoán.
– X quang: Tổn thương trên x quang thường chỉ rõ khi sau nhiễm trùng khoảng 10-14 ngày. Có thể quan sát thấy phản ứng màng xương, sự phá hủy cấu trúc xương, xương dưới sụn… trên hình ảnh viêm xương tủy xương x quang.
– Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) và chụp cộng hưởng từ (MRI): Là những kỹ thuật rất có giá trị trong chẩn đoán và đánh giá bệnh.
– Xạ hình xương: Giúp chẩn đoán sớm viêm tủy xương cấp.
– Nuôi cấy tổ chức xương, áp xe hoặc cả hai.
( → Xem thêm: Bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị )
4. Bệnh viêm tủy xương có nguy hiểm không?
Bệnh viêm tủy xương là một bệnh lý về xương khớp khá nguy hiểm, đặc biệt đối tượng mắc bệnh là trẻ em thường chiếm tỷ lệ cao, giai đoạn đầu dấu hiệu bệnh khó phát hiện nên dễ bị bỏ qua.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh sẽ tiến triển thành viêm tủy xương mạn tính rất khó điều trị dứt điểm hoặc có thể gây ra một số biến chứng như:
– Nhiễm khuẩn huyết.
– Viêm khớp nhiễm khuẩn.
– Cứng khớp vĩnh viễn.
– Hoại tử xương.
– Ngắn xương, biến dạng xương ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của trẻ.
Hỏi ngay dược sĩ tại đây
5. Viêm tủy xương có chữa được không?
Viêm tủy xương cấp tính nếu không được điều trị gì bệnh nhân có thể tử vong do nhiễm trùng hoặc nếu không điều trị triệt để bệnh có thể chuyển thành mạn tính. Tuy nhiên nếu được phát hiện sớm và điều trị đầy đủ, bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi được.
Viêm tủy xương có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm và điều trị đầy đủ.
II – Viêm tủy xương có mấy loại?
Dựa trên thời gian mắc bệnh có thể chia viêm tủy xương thành 2 loại:
1. Viêm tủy xương cấp tính
Viêm xương tủy xương cấp tính gặp nhiều nhất ở trẻ em. Tổn thương có thể xảy ra ở xương bất kỳ, vị trí hay gặp là các đầu xương dài, nơi xương mềm, có tủy đỏ. Viêm tủy xương cấp ở trẻ mang tính chất nhiễm trùng toàn thân.
Ở người lớn phổ biến là dạng viêm đốt sống đĩa đệm. Viêm tủy xương cấp được nghĩ đến ở những đối tượng bị đau xương ngoại vi khu trú, sốt, mệt mỏi hoặc đau cột sống khu trú khó kiểm soát, đặc biệt là người có các yếu tố nguy cơ gần đây của nhiễm khuẩn huyết.
2. Viêm tủy xương mạn tính
Viêm tủy xương kéo dài trên 3 tuần được gọi là mạn tính, được nghĩ đến ở những đối tượng đau xương khu trú kéo dài, đặc biệt nếu có thêm các yếu tố nguy cơ.
Viêm tủy xương mạn tính có thể phát sinh từ bất kỳ một trong các đường sau:
– Di chứng viêm tủy xương cấp tính.
– Sau gãy hở xương.
– Sau phẫu thuật xương khớp.
– Mạn tính từ đầu (giang mai, lao, áp xe Brodie).
( → Tìm hiểu thêm về bệnh ung thư xương TẠI ĐÂY)
III – Những đối tượng dễ bị viêm tủy xương
Viêm tủy xương có thể xảy ra ở bất kỳ ai, kể cả ở những người khỏe mạnh. Nhận biết được những đối tượng dễ bị viêm tủy xương không chỉ giúp cho việc chẩn đoán thuận lợi hơn mà còn nâng cao ý thức phòng bệnh của mỗi người. Dưới đây là những đối tượng dễ bị viêm tủy xương:
1. Viêm tủy xương ở trẻ em
Viêm xương tủy xương ở trẻ em gặp khá phổ biến. Có đến 80% ca mắc viêm tủy xương cấp tính là trẻ em thuộc độ tuổi 6-16 tuổi.
Trong giai đoạn đầu, các triệu chứng thường không rõ ràng, dễ bị bỏ qua. Triệu chứng thường gặp là trẻ bỗng dưng sốt cao, nhiễm trùng nhẹ, đau quanh chi và hạn chế vận động hơn bình thường.
Đi khám sẽ phát hiện sưng nề nhẹ quanh đầu xương, hay bị ở xương quanh gối, khi ấn vào khớp lại không thấy đau.
Sang giai đoạn muộn sẽ có hội chứng nhiễm trùng toàn thân rõ ràng, xuất hiện các ổ áp xe ở chi (sưng nóng đỏ đau, ở giữa mềm có mủ), thậm chí có lỗ dò mủ ra ngoài.
Viêm xương tủy xương ở trẻ em 6-16 tuổi chiếm đến 80% các ca mắc viêm tủy xương cấp tính.
2. Người có vết thương hở, chấn thương, phẫu thuật:
Các vết thương nếu không được chăm sóc tốt có thể nhiễm trùng, gây viêm tủy xương lan truyền kế cận từ các mô nhiễm trùng liền kề hoặc vết thương hở.
3. Người mắc bệnh làm giảm tuần hoàn máu
Máu lưu thông kém, tắc mạch gây cản trở các tế bào miễn dịch từ khu vực lân cận đến vùng tổn thương cũng như làm giảm cung cấp oxy cho tổ chức tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Điều này làm cho một nhiễm trùng nhỏ có thể lan rộng, tiếp xúc với mô sâu và gây viêm tủy xương. Các bệnh làm giảm tuần hoàn máu bao gồm:
– Bệnh tiểu đường.
– Bệnh động mạch ngoại biên, hay gặp ở người hút thuốc lá.
– Xơ cứng động mạch.
– Cholesterol máu cao.
– Tăng huyết áp.
– Bệnh tế bào hình liềm…
4. Người suy giảm miễn dịch
Những người bị thiếu máu, suy nhược, lao, ung thư, HIV… làm giảm sức đề kháng của cơ thể, do đó dễ bị nhiễm trùng.
Ngoài ra, một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh có thể kể đến như: giới tính (bệnh gặp ở nam nhiều hơn nữ), người thường xuyên bị trầy xước do các hoạt động (võ sư, vận động viên, cầu thủ…), người dùng thuốc đường tiêm tĩnh mạch…
Hỏi ngay dược sĩ tại đây
IV – Người bị viêm tủy xương nên ăn gì và kiêng ăn gì?
Một chế độ dinh dưỡng tốt, đầy đủ dưỡng chất sẽ giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, tăng khả năng hồi phục cho người bệnh.
Ngược lại, dinh dưỡng không phù hợp có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Vậy người bị viêm tủy xương nên ăn gì và kiêng ăn gì? Nội dung tiếp sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn:
1. Viêm tủy xương nên ăn gì?
– Tăng cường các thực phẩm giàu vitamin C đóng vai trò quan trọng trong quá trình lành vết thương, tăng sức đề kháng cơ thể chống nhiễm trùng. Các vitamin B, A, E giúp tái tạo mô mới, làm vết thương mau lành. Nên bổ sung các loại rau có màu xanh đậm và quả tươi như cam, bưởi, đu đủ, thanh long… là những thực phẩm chứa nhiều vitamin kể trên.
– Ăn đa dạng cá, thịt lợn, sò, ốc, ngũ cốc…chứa nhiều selen và kẽm sẽ giúp vết thương mau lành, chống nhiễm khuẩn.
– Các thực phẩm giàu omega 3 như dầu cá, cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi… giúp giảm tình trạng viêm và tốt cho hệ tim mạch.
– Nên ăn các đồ ăn dễ tiêu hóa và dạng lỏng như: cháo, súp.
Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong điều trị và hồi phục viêm tủy xương
2. Viêm tủy xương kiêng ăn gì?
– Hạn chế các thực phẩm có thể gây ngứa, mưng mủ như thịt gà, đồ nếp, rau muống, hải sản…
– Đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật: các thực phẩm này chứa nhiều cholesterol xấu và chất béo no, làm tăng nguy cơ mỡ máu, các bệnh thành mạch và tăng khả năng viêm nhiễm.
– Thực phẩm chứa nhiều đường như đồ ngọt, bánh kẹo, nước có ga…
– Rượu bia, chất kích thích: làm tình trạng viêm nặng hơn đồng thời ảnh hưởng đến hiệu quả của các thuốc điều trị.
V – Cách điều trị viêm tủy xương
Chẩn đoán và có phác đồ điều trị viêm xương tủy xương sớm, hiệu quả sẽ giúp giảm thiệt hại cho các xương, khu vực xung quanh xương bị viêm. Dưới đây là phác đồ điều trị viêm tủy xương:
1. Nguyên tắc chung
Chẩn đoán bệnh sớm, dùng kháng sinh trong trường hợp viêm tủy xương nhiễm khuẩn. Cấy máu hoặc mô nên được tiến hành trước khi dùng kháng sinh để xác định vi khuẩn gây bệnh (trừ khi bệnh nhân đang bị sốc hoặc có rối loạn chức năng thần kinh).
Phẫu thuật nếu có áp xe, có các triệu chứng toàn thân, nguy cơ mất vững cột sống hoặc có nhiều xương bị hoại tử.
2. Điều trị cụ thể
– Kháng sinh:
Trong giai đoạn đầu, bác sĩ sẽ lựa chọn kháng sinh theo kinh nghiệm. Các kháng sinh có hiệu quả trên cả chủng gram âm và gram dương được dùng cho đến khi có kết quả nuôi cấy và kháng sinh đồ.
Dùng kháng sinh liều cao theo đường tĩnh mạch, thời gian điều trị ít nhất 6 tuần, nếu cần thiết có thể kết hợp kháng sinh.
Với viêm tủy xương mạn tính, đặc biệt trên nền bệnh nhân đái tháo đường cần thiết phải có bằng chứng vi khuẩn học và kết quả kháng sinh đồ để điều trị. Giai đoạn sau, điều trị tùy thuộc vào đáp ứng lâm sàng và kết quả kháng sinh đồ.
– Phẫu thuật:
Khi phát hiện có bất cứ dấu hiệu nào như sốt, mệt mỏi, sút cân còn tồn tại hoặc các vùng lớn của xương bị phá hủy, phẫu thuật sẽ được thực hiện nhằm loại bỏ tổ chức hoại tử.
Kháng sinh phổ rộng nên được tiếp tục dùng trên 3 tuần sau phẫu thuật, cần thiết có thể sử dụng liệu pháp kháng sinh kéo dài.
Phẫu thuật điều trị viêm tủy xương
VI – Cách phòng tránh bệnh viêm tủy xương
Để phòng tránh viêm tủy xương và biến chứng, bạn nên:
– Thận trọng trong hoạt động, tham gia giao thông, chơi thể thao để tránh bị trầy xước, chấn thương.
– Chăm sóc y tế kịp thời khi bị gãy xương hoặc có bệnh nhiễm trùng.
– Nếu có vết thương hở, đặc biệt là các vết cắt sâu cần sát khuẩn và áp dụng những biện pháp chăm sóc vết thương phù hợp.
– Kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính để giảm thiểu nguy cơ.
– Theo dõi, quan sát các biểu hiện bất thường của cơ thể. Nếu thấy có dấu hiệu nhiễm trùng hay những biểu hiện bất thường khác, cần thăm khám bác sĩ sớm nhất.
– Điều trị triệt để các nhiễm khuẩn theo chỉ định của bác sĩ, tuân thủ điều trị.
– Thăm khám và điều trị tích cực viêm tủy xương ngay từ giai đoạn sớm là điều cần thiết để nâng cao khả năng hồi phục, ngăn ngừa biến chứng.
Nếu cần tìm hiểu thêm về bệnh viêm tủy xương, viêm tủy xương khớp boca bạn có thể để lại bình luận cuối bài viết, đặt câu hỏi trong khung chat hoặc gọi tới tổng đài 1800 1125 (miễn phí cước gọi) để được dược sĩ của NextG Cal tư vấn nhé!